Bệnh viêm dạ dày - ruột do vi rút Rota

  • Thông tin chung
    - Tác nhân gây bệnh: Vi rút Rota Rotavirus. Có 7 nhóm vi rút Rota A, B, C, D, E, F, G trong đó chỉ có nhóm A, B, C gây bệnh cho người. Nhóm A hay gặp nhất, gây ra hầu hết các vụ dịch tiêu chảy nặng ở trẻ em, nhóm B và C thường gây các vụ dịch lẻ tẻ hay gặp ở trẻ lớn. Vi rút Rota sống bền vững trong môi trường, có thể sống nhiều giờ trên bàn tay và nhiều ngày trên các bề mặt rắn. Vi rút có khả năng gây bệnh khi sống trong phân một tuần. Vi rút bị bất hoạt nhanh chóng bằng ethylendiamintetracetic acid (EDTA) ở nhiệt độ cao trên 45oC. Vi rút bị bất hoạt ở pH<3 hoặc pH>10, nhưng có sức đề kháng tốt với clo và ete.
    - Phương thức lây truyền: Vi rút Rota lây truyền qua đường phân - miệng, ngoài ra có thể lây theo đường tiếp xúc.
    - Triệu chứng: Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ với triệu chứng sốt nhẹ, nôn, tiêu chảy. Nôn xuất hiện trước tiêu chảy khoảng 6-12 giờ và có thể kéo dài 2-3 ngày. Trẻ nôn rất nhiều vào ngày đầu và giảm bớt khi bắt đầu tiêu chảy. Phân lỏng toàn nước, có lúc màu xanh dưa cải. Có thể có đờm, nhớt nhưng không có máu. Đây là đặc điểm quan trọng để chẩn đoán phân biệt với tiêu chảy do vi khuẩn. Tiêu chảy ngày càng tăng trong vài ngày, sau đó giảm dần kéo dài từ 3-9 ngày. Có thể có đau bụng, ho và chảy nước mũi.
    - Biến chứng: Tiêu chảy nặng, mất nước nặng.
     
  • Vắc xin dự phòng
    STT Tên thương mại Nhà sản xuất Bản chất Lịch tiêm Đường tiêm
    1 Rotarix GSK (Bỉ) Là vắc xin vi rút Rota sống, giảm độc lực sản xuất trên tế bào Vero. Liều dùng: 1,5ml

    Lịch uống:
    • Liều 1: Có thể cho trẻ uống từ khi 6 tuần tuổi.
    • Liều 2 cách liều 1 tối thiểu 4 tuần và nên hoàn thành trước 24 tuần tuổi.
    Đường uống
    2 ROTATEQ MSD (Mỹ) Là vắc xin sống giảm độc lực, ngũ giá, có chứa các biến thể (bò – người) vi rút Rota G1, G2, G3, G4 và P1A, các biến thể này được cấy vào các tế bào Vero bằng các kỹ thuật nuôi cấy mô chuẩn mà không có chất chống nấm. Liều dùng: 2 ml

    Lịch uống:
    • Liều 1: Có thể bắt đầu khi trẻ được 7,5 tuần tuổi.
    • Liều 2: Sau liều thứ nhất 4 tuần.
    • Liều 3 : Sau liều thứ hai 4 tuần.
    • Lịch trình uống vắc xin của trẻ phải kết thúc trước tuần thứ 32.
    Đường uống
    3 ROTAVIN - M1 Polyvac (Việt Nam) Là vắc xin sống, giảm độc lực, được sản xuất trên tế bào Vero, chứa chủng vi rút Rota G1P8. Liều dùng: 2ml

    Lịch uống:
    • Liều đầu tiên: Uống vào thời điểm trẻ từ 6 tuần tuổi trở lên.
    • Liều thứ 2: Uống sau liều đầu tiên 1-2 tháng.
    • Cần uống đủ 2 liều trước khi trẻ được 21 tuần tuổi.
    Đường uống
  • Chống chỉ định
    Dị ứng nặng sau lần uống trước hoặc với bất cứ thành phần nào của vắc xin, trẻ có tiền sử lồng ruột, dị tật bẩm sinh đường tiêu hóa, rối loạn miễn dịch kết hợp trầm trọng (bệnh SCID), có bệnh lý nặng, cấp tính, đang bị suy giảm miễn dịch nặng, sốt cao, tiêu chảy hoặc nôn.
     
    Tác dụng không mong muốn
    - Phản ứng thông thường: Sốt nhẹ, khó chịu, nôn, buồn nôn, tiêu chảy, qua khỏi nhanh.
    - Phản ứng nặng: Rất hiếm gặp hội chứng lồng ruột do vắc xin, sốt cao/ kéo dài cần nhập viện, phản vệ.

    Những điều cần lưu ý
    - Vắc xin rota có thể cho uống đồng thời với các vắc xin khác trong chương trình tiêm chủng trẻ em. Cần lưu ý lịch tiêm và giới hạn tuổi tối đa có thể dùng được vắc xin. Vắc xin rota nói chung bị chống chỉ định với trẻ có tiền sử lồng ruột.
    - Rotarix:
     + Cũng như các vắc xin khác, nên hoãn sử dụng Rotarix cho trẻ đang sốt cao cấp tính. Tuy nhiên không chống chỉ định cho trẻ đang có biểu hiện nhiễm khuẩn nhẹ như cảm lạnh.
     + Nên hoãn sử dụng cho trẻ đang bị tiêu chảy hoặc nôn.
     + Rotarix không phòng được bệnh viêm dạ dày - ruột do các tác nhân khác không phải vi rút Rota.
     + Cân nhắc đến nguy cơ tiềm tàng của chứng ngưng thở và sự cần thiết của các biện pháp giám sát hô hấp trong vòng 48 – 72 giờ khi chủng ngừa cơ bản cho những trẻ sinh non (đẻ trước hoặc bằng 28 tuần tuổi thai) và đặc biệt là những trẻ có tiền sử thiểu năng hô hấp.