1. Biến cố bất lợi sau tiêm chủng: Là bất kỳ một biến cố bất lợi nào xảy ra trong quá trình sử dụng thuốc, vắc xin và sinh phẩm khi điều trị nhưng không nhất thiết là do phác đồ điều trị gây ra.
2. Chống chỉ định: Là việc không tiêm vắc xin cho một cá thể, vì nếu tiêm vắc xin cho người đó thì có thể gây nên các hậu quả đe dọa tính mạng.
3. Dị ứng: Là tình trạng mà cơ thể tăng đáp ứng đối với một chất nào đó ví dụ như là thức ăn hoặc thuốc.
4. Globulin miễn dịch: Là protein có trong máu có tác dụng trung hòa tác nhân gây bệnh.
5. Hệ thống miễn dịch: Là một hệ thống phức hợp của cơ thể đáp ứng với các bệnh nhiễm trùng. Chức năng chủ yếu của nó là xác định kháng nguyên lạ (như vi rút, vi khuẩn, nấm hoặc kí sinh trùng) và phát triển kháng thể để bảo vệ cơ thể, được biết như là đáp ứng miễn dịch của cơ thể. Nó bao gồm tạo kháng thể đặc hiệu và tế bào miễn dịch để tiêu diệt tác nhân gây bệnh khi xâm nhập vào cơ thể.
6. Kháng nguyên: Là một chất lạ (ví dụ vi khuẩn hoặc vi rút), khi xâm nhập vào cơ thể có khả năng gây bệnh. Khi vào cơ thể, kháng nguyên kích thích hệ miễn dịch đáp ứng tạo kháng thể để chống lại kháng nguyên đó.
7. Kháng thể: Là protein có trong máu được cơ thể tạo ra nhằm đáp ứng với một kháng nguyên lạ (ví dụ: vi khuẩn, vi rút). Kháng thể bảo vệ cơ thể nhằm chống lại bệnh nhờ việc trung hòa hoặc tiêu diệt tác nhân gây bệnh.
8. Lịch tiêm: Là số liều vắc xin, thời gian tiêm, khoảng cách giữa các mũi tiêm và loại vắc xin cần thiết phải tiêm tùy theo lứa tuổi.
9. Miễn dịch chủ động: Là kháng thể chống lại một nhiễm trùng đặc hiệu do hệ miễn dịch tạo ra. Kháng thể chủ động có thể có được hoặc là sau khi mắc bệnh hoặc sau khi tiêm chủng vắc xin. Kháng thể chủ động thường là tồn tại lâu dài.
10. Miễn dịch cộng đồng: Là khi mà đa số cộng đồng được miễn dịch đối với các bệnh nhiễm trùng thông qua tiêm chủng. Thậm chí những người không được tiêm vắc xin như trẻ em và người mắc bệnh mạn tính được bảo vệ khỏi các bệnh nhờ đa số người dân trong cộng đồng đã có miễn dịch và làm giảm khả năng lây truyền trong cộng đồng.
11. Miễn dịch thụ động: Là miễn dịch thu được nhờ có được kháng thể của người khác hoặc từ động vật. Miễn dịch thụ động hiệu quả nhưng thời gian bảo vệ ngắn thường vài tuần hoặc vài tháng. Ví dụ kháng thể mẹ truyền sang cho thai nhi có thể bảo vệ cho trẻ 6 tháng đầu sau sinh.
12. Phản ứng viêm: Là tình trạng sưng, nóng, đỏ, đau do tế bào bị tổn thương, ví dụ sau nhiễm trùng.
13. Phản vệ: Là phản ứng dị ứng nặng và tức thì đối với một chất nào đó (ví dụ: thức ăn hoặc thuốc). Triệu chứng của phản vệ bao gồm: khó thở, rối loạn ý thức và hạ huyết áp. Phản vệ có thể dẫn đến tử vong, đòi hỏi phải được điều trị, cấp cứu kịp thời.
14. Phơi nhiễm: Là việc tiếp xúc với tác nhân gây bệnh (vi khuẩn, vi rút) theo cách mà nó làm tăng khả năng lây nhiễm bệnh.
15. Suy giảm miễn dịch: Là khi hệ miễn dịch của cơ thể không có hoặc giảm đáng kể khả năng bảo vệ cơ thể chống lại bệnh nhiễm trùng. Tình trạng này có thể do bệnh gây ra (ví dụ như nhiễm HIV hoặc ung thư) hoặc dùng thuốc (thuốc điều trị ung thư).
16. Tá dược: Là một chất được đưa thêm vào vắc xin nhằm làm tăng đáp ứng miễn dịch của cơ thể đối với vắc xin.
17. Tác nhân gây bệnh nhiễm trùng: Là các vi sinh vật gây bệnh (vi rút, vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm) có khả năng gây bệnh nhiễm trùng ở người.
18. Tái tổ hợp: Là sự kết hợp của các vật liệu di truyền tạo ra khi một phần của ADN từ các nguồn khác nhau được kết hợp với nhau tạo nên ADN tái tổ hợp.
19. Tiêm chủng: Là việc đưa vắc xin có tính kháng nguyên (có nhiều bản chất khác nhau nhưng không có khả năng gây bệnh) vào cơ thể nhằm kích thích cơ thể tạo kháng thể chống lại bệnh nhiễm trùng. Vắc xin có thể dùng dưới dạng uống, tiêm hoặc khí dung.
20. Tiêm chủng mở rộng: Là một chương trình y tế quốc gia thực hiện tiêm chủng miễn phí tại các cơ sở y tế dự phòng do nhà nước quản lý. Tiêm chủng dịch vụ là tiêm chủng do các cơ sở y tế tư nhân đảm nhiệm và người dân phải trả tiền.
21. Tiêm nhắc lại: Là liều tiêm vắc xin bổ sung định kỳ nhằm kích thích hệ miễn dịch của cơ thể tăng đáp ứng miễn dịch.
22. Tính miễn dịch: Là khả năng bảo vệ cơ thể chống lại bệnh nhiễm trùng. Tính miễn dịch được xác định bằng xét nghiệm phát hiện sự có mặt của kháng thể hoặc tế bào miễn dịch trong máu. Có 2 loại miễn dịch: Chủ động (cơ thể sản xuất kháng thể) và thụ động (cơ thể nhận kháng thể).
23. Vắc xin: Là sản phẩm sinh học dùng để đưa vào cơ thể con người nhằm tạo ra miễn dịch chủ động bảo vệ chống lại một căn bệnh cụ thể. Vắc xin tương tác với hệ thống miễn dịch để tạo ra miễn dịch tương tự như quá trình nhiễm trùng tự nhiên, nhưng không gây bệnh hoặc các biến chứng tiềm tàng cho người được tiêm.
24. Vắc xin bất hoạt: Là vắc xin chế từ vi rút và vi khuẩn đã được làm chết nhờ quá trình lý hóa học và do đó không có khả năng gây bệnh.
25. Vắc xin cộng hợp: Là kết hợp của 2 thành phần của vắc xin (thường bao gồm protein và polysaccharide) để làm tăng hiệu quả bảo vệ của vắc xin. Ví dụ vắc xin não mô cầu cộng hợp.
26. Vắc xin kết hợp: Là vắc xin chứa nhiều thành phần kháng nguyên trong một mũi tiêm làm giảm số lần tiêm. Ví dụ vắc xin sởi, quai bị, rubella.
27. Vắc xin giải độc tố: Là vắc xin chế từ độc tố của vi khuẩn sau khi đã làm mất đi khả năng gây độc của nó nhưng vẫn giữ tính kháng nguyên, kích thích cơ thể tạo ra kháng thể trung hòa độc tố đó, ví dụ như vắc xin giải độc tố uốn ván, vắc xin giải độc tố bạch hầu.
28. Vắc xin Polysaccharide: Là vắc xin có chứa phân tử đường dài ở vỏ của vi khuẩn ví dụ vắc xin phế cầu, não mô cầu và Haemophilus Influenzae típ b.
29. Vắc xin sống: Là vắc xin vi sinh vật sống đã được làm yếu đi nhờ các quá trình lý hóa học nhằm kích thích cơ thể tạo ra đáp ứng miễn dịch mà không gây bệnh, ví dụ như các vắc xin: Sởi, quai bị, rubella, sốt vàng, thủy đậu.
30. Vắc xin vô bào: Là vắc xin chỉ chứa một phần tế bào của vi khuẩn mang tính kháng nguyên cao.
31. Vắc xin vật liệu di truyền: Vắc xin axit ribonucleic (RNA) hoặc vắc xin RNA thông tin (mRNA) là một loại vắc xin có sử dụng một bản sao của một phân tử gọi là RNA thông tin (mRNA) để tạo ra một phản ứng miễn dịch. Vắc xin truyền các phân tử RNA tổng hợp vào các tế bào miễn dịch, tại đó vắc xin có chức năng như mRNA, khiến các tế bào tạo ra protein lạ vốn thường được tạo ra bởi mầm bệnh (chẳng hạn như vi rút) hoặc tế bào ung thư.
32. Vi khuẩn: Là vi sinh vật nhỏ chỉ có thể phát hiện được qua kính hiển vi. Vi khuẩn có thể gây bệnh hoặc không gây bệnh.
33. Vi rút: Là vi sinh vật rất nhỏ, có thể được phát hiện qua kính hiển vi điện tử, có khả năng nhân lên trong tế bào và gây bệnh, ví dụ như các vi rút đậu mùa, sởi, rubella và viêm gan.