Vắc xin là sản phẩm sinh học dùng để tiêm chủng cho người nhằm tạo ra miễn dịch chủ động bảo vệ chống lại một căn bệnh cụ thể. Vắc xin tương tác với hệ thống miễn dịch để tạo ra miễn dịch tương tự như quá trình nhiễm trùng tự nhiên, nhưng không gây bệnh hoặc các biến chứng tiềm tàng cho người nhận.
Các bằng chứng khoa học và thực tiễn cho thấy tiêm chủng phòng bệnh là biện pháp dự phòng an toàn nhất, hiệu quả nhất để dự phòng mắc bệnh, tử vong và nâng cao chất lượng cuộc sống, không chỉ cho trẻ em mà còn cho cả người lớn. Tác động của vắc xin là rất to lớn và toàn diện trên mọi lĩnh vực.
1. Lợi ích của việc tiêm chủng
1.1 Tác động về sức khỏe
Hiện có rất nhiều bằng chứng khoa học và thực tiễn đã chứng minh lợi ích của tiêm chủng và tiêm chủng được coi là một can thiệp y tế thành công nhất và có chi phí thấp nhất nhưng có hiệu quả cao nhất. Trong nhiều thập kỷ qua tiêm chủng đã đạt được những thành tựu đáng kể bao gồm thanh toán bệnh đậu mùa.
Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ đã xếp tiêm vắc xin phòng bệnh đứng thứ nhất trong 10 thành tựu lớn nhất về y tế công cộng của thế kỷ 20. Tiêm chủng góp phần giảm 2-3 triệu trẻ em chết hàng năm; thanh toán đậu mùa năm 1979; giảm số ca mắc bại liệt từ 350.000 ca ở 125 nước năm 1988 xuống còn 37 ca vào năm 2016 và đang tiến tới thanh toán bại liệt trên toàn thế giới; giảm trên 80% tử vong do sởi so với năm 2000, nhiều châu lục đã loại trừ sởi (châu Mỹ, châu Âu, châu Úc); số trẻ chết vì các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, cúm típ A, viêm màng não do não mô cầu típ A viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não do Hib hàng năm giảm đi đáng kể… Gần đây những vắc xin mới đưa vào chương trình làm giảm tỷ lệ viêm phổi do phế cầu, tiêu chảy do vi rút rota cũng như dự phòng các bệnh mãn tính khác như là ung thư gan, ung thư cổ tử cung. WHO ước tính rằng nếu tất cả các vắc xin sẵn có hiện nay đều được sử dụng rộng rãi trên thế giới với tỷ lệ bao phủ cao trên 90%, hàng năm dự phòng thêm 2-3 triệu trẻ em nữa không bị chết vì các bệnh nhiễm trùng.
Tiêm chủng góp phần làm giảm tỷ lệ kháng kháng sinh và ngăn chặn các chủng kháng kháng sinh. Ví dụ, như tiêm vắc xin phế cầu cộng hợp ở Mỹ cho trẻ em cho thấy giảm 57% tỷ lệ mắc bệnh gây ra bởi các chủng kháng kháng sinh penicilin và giảm 59% các chủng kháng với đa kháng sinh. Vắc xin phòng bệnh thương hàn không chỉ phòng thương hàn mà còn phòng lan truyền các chủng thương hàn kháng kháng sinh. Sự phát triển các vắc xin mới chống lại bệnh nhiễm trùng được coi như là biện pháp lâu dài để kiểm soát việc gia tăng tình trạng kháng thuốc như ngày nay.
Tiêm chủng góp phần kéo dài thời gian tuổi thọ. Vắc xin có thể nâng cao tuổi thọ thông qua việc dự phòng các bệnh nhiễm trùng. Những người cao tuổi được tiêm phòng vắc xin cúm sẽ giảm 20% nguy cơ các bệnh tim mạch, tai biến mạch não và giảm 50% tử vong do tất cả các nguyên nhân.
Tiêm chủng góp phần nhanh đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ khác: Giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em, nâng cao sức khỏe bà mẹ, giảm biến chứng của HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh khác.
1.2 Tác động về kinh tế
Lợi ích của tiêm chủng đã vượt quá lợi ích dự phòng bệnh tật. Vắc xin đã góp phần phát triển kinh tế và đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho những người dễ bị tổn thương trong xã hội. Chương trình tiêm chủng vắc xin toàn diện là nền tảng của YTCC và làm giảm nghèo đói và bất công bằng trong xã hội.
Tiêm chủng vắc xin có thể mang lại lợi ích trực tiếp như tăng năng suất lao động và tăng giá trị xã hội của cộng đồng, gia đình hay một cá nhân khỏe mạnh. Bằng mô hình toán học, người ta có thể ước tính số chết được dự phòng bằng vắc xin. Ví dụ ở Trung Quốc và Ấn Độ, nhờ tiêm chủng các vắc xin phế cầu, vắc xin Hemophilus influenza típ B và vắc xin rota có thể phòng được 157.000 trường hợp chết hàng năm. Sử dụng số liệu có được từ năm 2012 người ta ước tính rằng nếu tỷ lệ tiêm chủng 3 vắc xin nêu trên là 90% thì sẽ ước tính được lợi ích kinh tế hàng năm là 9,1 tỷ USD ở Ấn Độ, 5,8 tỷ USD ở Trung Quốc, 560 triệu USD ở Nga, 400 triệu USD ở Nam Phi và 18 triệu USD ở Braxin.
Nhờ tiêm chủng chúng ta có cơ hội tiết kiệm chi phí cho điều trị và giảm chi phí do bố mẹ và người chăm sóc trẻ không phải nghỉ việc không lương do chăm sóc trẻ ốm. Chi phí cho điều trị lớn gấp 5 lần chi phí cho việc triển khai tiêm chủng phòng bệnh.
Ở Ấn Độ việc đưa vắc xin rota vào chương trình tiêm chủng cho trẻ em ước tính sẽ tiết kiệm gần 21 triệu USD chi phí điều trị hàng năm và tiết kiệm 1,5 tỷ USD chi phí cho điều trị bệnh viêm phổi do phế cầu và do Hemophilus influenza típ B trong các năm từ 2011-2020. Theo ước tính của Liên minh toàn cầu về Vắc xin và Tiêm chủng (GAVI), trong 5 năm từ 2016-2020, sẽ hỗ trợ tiêm chủng cho 300 triệu trẻ em, ước tính dự phòng thêm 5-6 triệu trẻ khỏi tử vong, và mang lại lợi ích về kinh tế là 80-100 tỉ USD.
Tiêm chủng góp phần tăng tỷ lệ trẻ đẻ sống, dẫn đến giảm tỷ lệ sinh. Điều này cũng làm tăng tiết kiệm thời gian và chi phí chi tiêu cho gia đình và tăng tình trạng sức khỏe của các bà mẹ.
Lợi ích kinh tế của vắc xin không chỉ lợi ích về tiết kiệm chi phí điều trị mà còn lợi ích khác về kinh tế và xã hội con người đóng góp nhờ khỏe mạnh do được tiêm chủng vắc xin phòng bệnh. Trẻ không bị ốm do các bệnh nhiễm trùng, phát triển thể chất khỏe mạnh, giúp trẻ tăng nhận thức và tiếp thu giáo dục tốt hơn. Tất cả những tác động này tạo ra một quần thể khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần, một lực lượng lao động có sức sản xuất cao và góp tăng năng suất lao động tạo của cải và tăng thu nhập cho hộ gia đình, cộng đồng và xã hội. Ngoài ra nó còn góp phần thu hút đầu tư từ các nguồn lực quốc tế và từ bên ngoài cho phát triển cộng đồng.
Sức khỏe được coi là nền tảng của phát triển kinh tế và tiêm chủng được coi là cốt lõi của chương trình YTCC.
1.3 Tác động về xã hội
Tăng cường sự công bằng và bình đẳng: Gánh nặng của bệnh nhiễm trùng bao gồm các bệnh có thể dự phòng bằng vắc xin xảy ra chủ yếu ở các vùng khó khăn và kém phát triển, và ở các nhóm người dễ bị tổn thương. Tiêm chủng đã có lợi ích rõ ràng cho nhóm người này. Việc tiêm chủng vắc xin đã làm giảm sự phân biệt về kinh tế xã hội và cũng như về phân biệt chủng tộc, góp phần đảm bảo tính công bằng giữa những nhóm có tình trạng kinh tế xã hội khác nhau.
Nâng cao quyền của người phụ nữ: Phụ nữ không phải thức khuya dậy sớm, và nghỉ việc không lương do chăm sóc trẻ ốm. Ngoài ra nhờ việc giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, phụ nữ có xu hướng sinh ít trẻ em hơn trước đây. Phụ nữ khỏe mạnh hơn và có nhiều thời gian hơn tham gia vào các công tác xã hội.
Tiêm chủng góp phần tăng cường an toàn trong đi lại: Nguy cơ phơi nhiễm các bệnh nhiễm trùng khi đi nước ngoài ngày càng tăng do việc gia tăng các phương tiện đi lại như hiện nay trên toàn cầu. Hành khách khi di chuyển có thể lây truyền và phát tán các tác nhân gây bệnh nhiễm trùng.
Dự phòng khủng bố sinh học: Gần đây người ta lo ngại rằng có nguy cơ sử dụng vi rút đậu mùa như là vũ khí sinh học. Các vắc xin để bảo vệ người dân khỏi nguy cơ đe dọa của khủng bố sinh học như bệnh đậu mùa, bệnh than. Nhiều chính phủ đã có kế hoạch sản xuất và cung ứng vắc xin cần thiết để ứng phó với nguy cơ khủng bố sinh học. Hệ thống giám sát và đáp ứng với những bệnh có thể dự phòng được bằng vắc xin đóng vai trò quan trọng trong việc xác định và đáp ứng với các vũ khí sinh học.
Vắc xin phòng COVID-19 là ví dụ điển hình về tác động của vắc xin. Các trường hợp mắc COVID-19 lần đầu tiên được ghi nhận ngày 29/12/2019 tại Vũ Hán (Trung Quốc). Ngày 11/3/2020, Tổ chức Y tế thế giới công bố dịch COVID-19 là đại dịch toàn cầu. Tính đến ngày 26/04/2023 toàn thế giới có 764.474.387 ca nhiễm và 6.915.286 trường hợp tử vong vì COVID-19, Việt Nam có 11.549.186 ca nhiễm, và 43.188 ca tử vong. Đại dịch đã ảnh hưởng đến hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống bao gồm sức khỏe, chính trị, kinh tế, giáo dục và các sự kiện văn hóa xã hội. Vào ngày 11/1/2020, trình tự gene của Coronavirus mới, sau này được đặt tên là SARS-CoV-2, đã được công bố trên Genbank. Gần 11 tháng sau, loại vắc xin đầu tiên do Pfizer-BioNTech sản xuất đã ra đời, được chấp thuận ở Anh và Mỹ và sau đó được sử dụng ở nhiều quốc gia. Tiêm vắc xin có thể có tác động đáng kể trong việc giảm thiểu bùng phát COVID-19, đặc biệt giảm nguy cơ mắc bệnh nặng, nhập viện và tử vong, ngay cả khi khả năng bảo vệ chống lại nhiễm trùng còn hạn chế. Từ đó góp phần cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục, tăng năng suất và tác động tài chính tích cực, hạn chế bất bình đẳng giới, kiểm soát và ngăn ngừa kháng kháng sinh.
2. Thành tựu của Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) ở Việt Nam
2.1 Chặng đường hình thành & phát triển TCMR tại Việt Nam
- Giai đoạn 1981-1984: Triển khai thí điểm ở một số tỉnh, chủ yếu sử dụng hình thức tiêm chủng chiến dịch (tiêm chủng hàng loạt) trên một số địa bàn có nguy cơ cao. Hình thức tiêm chủng thường xuyên (tiêm chủng hàng tháng) bắt đầu được áp dụng ở một số địa bàn có điều kiện thuận lợi và từng bước được mở rộng. Hết giai đoạn thí điểm đã có 50% số tỉnh triển khai dịch vụ TCMR.
- Giai đoạn 1985-1990: Chương trình TCMR chính thức triển khai ở 100% tỉnh và huyện trên cả nước với 6 vắc xin: Lao, BH-HG-UV, bại liệt và sởi; tuy nhiên còn tới 3,6% số xã với gần 400 xã vùng núi, vùng sâu, vùng xa chưa triển khai được công tác tiêm chủng.
- Giai đoạn 1991 - 1995: Xóa xã trắng về tiêm chủng, TCMR đã được bao phủ 100% số xã phường trên toàn quốc.
Mặc dù số xã chưa triển khai TCMR trong năm 1990 chỉ chiếm khoảng 3,6% tổng số xã trong cả nước song đây lại là những địa bàn rất khó khăn do thiếu điều kiện giao thông, cơ sở y tế, lưới điện v.v. Mặt khác đây lại là vùng sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc ít người, của những người nghèo, thiếu cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế do vậy việc xóa các xã trắng về tiêm chủng là một mục tiêu cấp bách song hết sức khó khăn.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Y tế, thực hiện Chương trình Kết hợp quân dân y, đặc biệt là sự kết hợp của Quân y bộ đội Biên phòng, ngành y tế từng bước xóa các xã trắng về TCMR và đạt mục tiêu này vào năm 1995. Việc xóa xã trắng về TCMR có thể được coi là một thành công kỳ diệu của ngành y tế Việt Nam.
- Giai đoạn 1996-nay: Trên cơ sở thành quả đã đạt được, từ năm 1996 Chương trình TCMR phấn đấu duy trì diện bao phủ thường xuyên trên toàn quốc, đồng thời tập trung hoạt động để nâng cao các mặt chất lượng tiêm chủng. Những mục tiêu chính ở giai đoạn này là:
+ Duy trì tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi luôn đạt mức cao trên 90% ở quy mô tuyến huyện.
+ Nâng cao tỷ lệ hình thức tiêm chủng thường xuyên hàng tháng ở đơn vị tuyến xã, kết hợp chặt chẽ với hình thức tiêm chủng chiến dịch, gồm cả chiến dịch toàn quốc, chiến dịch theo khu vực hoặc chiến dịch nhỏ đáp ứng cho từng địa bàn (huyện, xã, nhà trường, khu dân cư...) có nguy cơ cao hoặc xảy ra dịch.
+ Tăng cường chỉ đạo, giám sát, hỗ trợ đối với những vùng triển khai tiêm chủng gặp nhiều khó khăn như ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo.
+ Tranh thủ hỗ trợ quốc tế, từng bước đưa vào Chương trình những vắc xin mới, lịch tiêm mới, kỹ thuật tốt hơn; tăng cường chất lượng dây chuyền lạnh; giám sát bệnh, giám sát an toàn tiêm chủng ở những địa bàn trọng điểm và trên toàn quốc..
2.2 Thành tựu đạt được của TCMR ở Việt Nam
Trong gần 40 năm qua, chương trình TCMR ở Việt Nam đã đạt được những thành tích to lớn như sau:
- Thanh toán bệnh bại liệt polio năm 2000. Năm 2000 Việt Nam cùng với các nước khu vực Tây Thái Bình Dương đã đạt mục tiêu thanh toán bệnh bại liệt và tiếp tục bảo vệ thành quả này trong khi vẫn còn nguy cơ xâm nhập của vi rút bại liệt hoang dại từ các quốc gia vẫn còn lưu hành từ châu Á và châu Phi. Việt Nam không ghi nhận trường hợp bại liệt hoang dại và tiếp tục bảo vệ thành công thành quả thanh toán bệnh bại liệt kể từ năm 2000.
- Loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh năm 2005. Tháng 12 năm 2005 WHO và UNICEF đã xác nhận Việt Nam có tỉ lệ mắc uốn ván sơ sinh dưới 1/1000 trẻ đẻ sống trong một năm và công nhận Việt Nam đã loại trừ uốn ván sơ sinh. Kể từ năm 2005 đến nay tỷ lệ mắc UVSS thường xuyên dưới 0,02/100.000 dân, và có 100% số huyện trên toàn quốc đạt chỉ tiêu loại trừ uốn ván sơ sinh của WHO khu vực Tây Thái Bình Dương đề ra.
- Khống chế và tiến tới loại trừ bệnh sởi. Nhờ đạt và duy trì tỷ lệ tiêm chủng 2 mũi vắc xin sởi trên phạm vi toàn quốc đạt tỷ lệ cao trên 90%, và thực hiện nhiều chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi cho các đối tượng nguy cơ cao, tỷ lệ mắc sởi của Việt Nam liên tục giảm hơn 700 lần vào năm 2021 so với năm năm 1984. Đồng thời với những nỗ lực triển khai vắc xin sởi - rubella trên diện rộng vừa qua, Việt Nam đang tiến gần đến mục tiêu loại trừ bệnh sởi cùng với các nước trong khu vực Tây Thái Bình Dương.
- Khống chế và tiến tới loại trừ nhiễm viêm gan B: Việt Nam là nước có tỷ lệ lưu hành bệnh viêm gan B cao. Vắc xin viêm gan B được triển khai lần đầu trong TCMR từ năm 1997. Kết quả điều tra “Đánh giá hiệu quả của tiêm chủng vắc xin viêm gan B giai đoạn 2000 – 2008” tại 51 tỉnh/thành phố cho thấy xu hướng giảm tỷ lệ nhiễm vi rút Viêm gan B một cách rõ rệt của các nhóm trẻ sinh ra trong giai đoạn 2000-2008. Nhóm trẻ 5 tuổi tại thời điểm điều tra (trẻ sinh 2006) có tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B là 1,89%, đạt được mục tiêu của WHO về giảm tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B ở trẻ em 5 tuổi xuống dưới 2% vào năm 2012 và đang tiến tới giảm tỷ lệ này xuống dưới 1% trong tương lai.
- Khống chế bệnh bạch hầu: Tỷ lệ mắc bạch hầu liên tục giảm từ năm 1984 đến nay, tương ứng với sự gia tăng tỷ lệ trẻ được tiêm vắc xin DPT. Trong năm 2021 tỷ lệ mắc bạch hầu giảm xuống dưới 0,01 trên 100.000 dân xuống, giảm hơn 400 lần so với năm 1984.
- Khống chế bệnh ho gà: Số mắc và tỷ lệ mắc ho gà cũng liên tục giảm từ năm 1984 đến nay tương quan với sự gia tăng tỷ lệ trẻ được tiêm chủng DPT. Tỷ lệ mắc ho gà giảm từ 84,4/100.000 dân năm 1984 xuống còn 0,4/100.000 dân năm 2021 (giảm hơn 200 lần).
- Ước tính vào năm 2010, nhờ triển khai TCMR chúng ta đã dự phòng khoảng 6,7 triệu trẻ em khỏi mắc 5 bệnh truyền nhiễm có thể dự phòng bằng vắc xin (uốn ván sơ sinh, sởi, bạch hầu, ho gà, bại liệt) và phòng 42.900 trường hợp tử vong do các bệnh này. Thông qua việc triển khai thành công chương trình tiêm chủng mở rộng và các chương trình y tế khác, Việt Nam đã giảm đáng kể tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi, từ 58 phần nghìn trẻ đẻ sống năm 1990 xuống còn 23,3 phần nghìn năm 2016 và góp phần đạt mục tiêu thiên niên kỷ thứ tư.
3. Kế hoạch hành động toàn cầu về tiêm chủng
Năm 2012 Đại hội đồng Y tế Thế giới thông qua “Kế hoạch hành động toàn cầu về tiêm chủng” nhằm đạt được mục tiêu của thập kỷ vắc xin: “Nâng cao sức khỏe vào năm 2020 bằng tăng cường lợi ích đầy đủ của tiêm chủng cho tất cả mọi người không tính đến nơi họ sinh ra, họ là ai, hiện đang ở đâu”, với các mục tiêu chiến lược sau:
- Tất cả các nước cam kết coi tiêm chủng như là một ưu tiên. Mọi quốc gia đưa ra và duy trì cam kết đối với chương trình tiêm chủng mở rộng.
- Các cá nhân và cộng đồng hiểu được giá trị của tiêm chủng và coi tiêm chủng là quyền và trách nhiệm. Độ bao phủ cao và tính bền vững của chương trình có thể đạt được nếu mỗi cá nhân và cộng đồng hiểu được lợi ích và nguy cơ của tiêm chủng.
- Ích lợi của tiêm chủng phải công bằng đối với tất cả mọi người: Mọi cá nhân của quần thể đích đều được tiêm phòng với tất cả các loại vắc xin phù hợp – không phân biệt khu vực địa lý, tuổi, giới, trình độ học vấn, tình trạng kinh tế – xã hội, dân tộc hay điều kiện công việc.
- Hệ thống tiêm chủng mạnh là một phần của hệ thống y tế hoạt động tốt: Dịch vụ tiêm chủng cần được duy trì như là cơ sở để cung cấp các can thiệp y tế ưu tiên khác.
- Chương trình tiêm chủng phải được cung cấp bền vững ngân sách, với sản phẩm chất lượng cao và kỹ thuật đổi mới ở mỗi quốc gia và trên phạm vi toàn cầu.
- Tối ưu hóa lợi ích của tiêm chủng thông qua các nghiên cứu phát triển và cung ứng các loại vắc xin mới.
Kế hoạch hành động toàn cầu về vắc xin giai đoạn 2011–2020 (GVAP) được phát triển để hiện thực hóa các tham vọng của Thập kỷ của vắc xin – rằng tất cả các cá nhân và cộng đồng đều được hưởng cuộc sống không mắc các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc xin. Nó bao gồm một khung giám sát và đánh giá toàn diện để theo dõi tiến độ hướng tới các mục tiêu toàn cầu. Trong khi nhiều mục tiêu GVAP rất khó có thể đạt được vào cuối năm 2020, tuy nhiên nó đã đạt được tiến bộ đáng kể và thiết lập nền tảng vững chắc cho chiến lược tiêm chủng toàn cầu đến năm 2030. Nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng đã đưa ra một loạt khuyến nghị để đảm bảo rằng các bài học rút ra từ GVAP sẽ cung cấp thông tin cho việc xây dựng và thực hiện mục tiêu tiêm chủng trong giai đoạn tới. Chiến lược tiêm chủng toàn cầu sau năm 2020 nên tập trung vào những nội dung sau:
- Đảm bảo thực hiện toàn diện và kịp thời hơn ở cấp toàn cầu, khu vực và các cấp quốc gia;
- Tập trung chủ yếu vào các quốc gia;
- Duy trì đà hướng tới các mục tiêu của GVAP;
- Thiết lập một mô hình quản trị có khả năng biến chiến lược thành hành động tốt hơn;
- Thúc đẩy lập kế hoạch dài hạn cho sự phát triển và triển khai vắc xin mới và các biện pháp phòng ngừa khác đổi mới, để đảm bảo người dân được hưởng lợi nhanh nhất;
- Thúc đẩy việc sử dụng dữ liệu để khuyến khích và hướng dẫn hành động và ra quyết định;
- Tăng cường công tác giám sát, đánh giá cấp quốc gia và cấp địa phương để nâng cao tính giải trình và chịu trách nhiệm;
- Phòng ngừa chủ động COVID-19 bằng vắc xin.