Giới thiệu

  • Vắc xin là biện pháp phòng bệnh truyền nhiễm hiệu quả nhất, đã có lịch sử phát triển hàng trăm năm nay và có cơ sở khoa học vững chắc trong dự phòng các bệnh nhiễm trùng. Hiện nay đã có gần 30 bệnh nhiễm trùng phổ biến có thể dự phòng được bằng vắc xin.

    Tiêm chủng vắc xin làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong của nhiều loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, giảm số trẻ sinh ra do không phải lo trẻ bị ốm và chết, giảm tình trạng tàn phế hay mất khả năng lao động do bệnh tật gây nên, làm cho trẻ em khỏe mạnh phát triển thể chất và trí não bình thường. Qua đó, làm giảm số ngày ốm và nhập viện, giảm chi phí chăm sóc y tế, đặc biệt giảm thời gian và công sức của phụ nữ do không phải chăm sóc trẻ bị bệnh cũng như góp phần bảo vệ, phát triển nguồn nhân lực cho xã hội. Ngoài ra tiêm chủng còn giúp bảo vệ sức khỏe cho cả người lớn như vắc xin phòng cúm, phòng viêm màng não do não mô cầu, phòng ung thư gan, ung thư cổ tử cung... Có thể nói rằng việc đầu tư cho tiêm chủng vắc xin dự phòng là đầu tư cho phát triển.

    Điều 28 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm nêu rõ: “Mọi người có quyền sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế để bảo vệ sức khoẻ cho mình và cho cộng đồng. Vắc xin, sinh phẩm y tế được sử dụng theo hình thức tự nguyện hoặc bắt buộc. Nhà nước hỗ trợ và khuyến khích công dân tự nguyện sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế.”

    Nhằm thực hiện Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Hội Y học Dự phòng Việt Nam phối hợp với các hội chuyên ngành có liên quan xây dựng “Khuyến cáo lịch tiêm chủng vắc xin cho mọi lứa tuổi ở Việt Nam”. Mục đích chính của khuyến cáo là cung cấp các thông tin cơ bản về lịch tiêm chủng và hướng dẫn cách dùng vắc xin cho mọi lứa tuổi đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng ở Việt Nam, qua đó nâng cao nhận thức về sử dụng các vắc xin phòng bệnh cho mọi lứa tuổi, đưa ra nhiều lựa chọn và tăng khả năng tiếp cận của người dân trong việc sử dụng vắc xin. Tài liệu này được biên soạn phục vụ chủ yếu cho nhân viên y tế, đặc biệt đối với nhân viên y tế đang làm công tác tiêm chủng, phòng chống bệnh truyền nhiễm ở các tuyến trên cả nước. Cuốn sách này định kỳ sẽ được cập nhật các thông tin.

    Cuốn sách có cấu trúc gồm 6 phần chính, với những nội dung hướng dẫn sử dụng đối với các loại vắc xin đang được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam bao gồm vắc xin trong và ngoài Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR).

    Phần I – Tầm quan trọng của việc sử dụng vắc xin
    Phần II – Lịch tiêm chủng vắc xin
    Phần III – Các bệnh có thể dự phòng bằng vắc xin.
    Phần IV – Khuyến cáo tiêm chủng vắc xin cho các nhóm đặc biệt
    Phần V – Theo dõi và xử trí biến cố bất lợi sau tiêm chủng.
    Phần VI – Những điều cần lưu ý khi sử dụng vắc xin.

    Trong năm 2018, Hội Y học dự phòng Việt Nam đã xuất bản lần đầu tiên cuốn tài liệu này và đã phát hành tới các đơn vị làm công tác tiêm chủng trong cả nước và nhận được sự đón nhận tích cực cũng như những ý kiến đóng góp với tinh thần xây dựng để hoàn thiện, cập nhật cho cuốn tài liệu. Năm 2020, Hội Y học dự phòng Việt Nam đã tái bản lần 1 có sửa chữa và bổ sung.

    Trong lần tái bản lần 2 này chúng tôi đã cập nhập, chỉnh sửa, bổ sung dựa trên những ý kiến đóng góp của các đơn vị. Chúng tôi xin cảm ơn sự tham gia tích cực của các đơn vị, các chuyên gia và Ban biên soạn trong việc cập nhật cuốn tài liệu này.

    Xin trân trọng giới thiệu tài liệu giá trị này với Quý bạn đọc.

    GS.TS. Nguyễn Trần Hiển
    Chủ tịch Hội đồng tư vấn sử dụng vắc xin của Bộ Y tế
    Nguyên Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương