Thời điểm tiêm và khoảng cách giữa các mũi tiêm

  • Khoảng cách của các liều vắc xin
    Vắc xin phải được tiêm theo đúng lịch, đúng khoảng cách giữa các mũi tiêm để bảo đảm hiệu quả bảo vệ tối đa. Cố gắng bảo đảm khoảng cách giữa các mũi tiêm vắc xin nếu có thể được. Khoảng cách giữa các mũi tiêm không được dưới khoảng cách quy định và không được sớm hơn thời điểm tiêm. Tuy nhiên việc khoảng cách các mũi tiêm lớn hơn theo qui định không làm giảm nồng độ kháng thể sau khi hoàn thành các mũi tiêm mặc dù hiệu lực bảo vệ có thể không đạt được cho đến khi đủ số liều theo qui định. Nếu liều đầu tiên sớm hơn 5 ngày trước tuổi tiêm thì phải tiêm nhắc lại sau khi trẻ đạt tuổi tiêm theo quy định. Tiêm vắc xin sống phải bảo đảm rằng khoảng cách tối thiểu là 28 ngày. Một số vắc xin như vắc xin bạch hầu, uốn ván có thể gây ra tỷ lệ phản ứng hệ thống tại chỗ nhiều hơn. Do đó cần phải tuân thủ lịch tiêm chủng để có thể làm giảm các tỷ lệ phản ứng mà không ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch. Ngoại trừ vắc xin thương hàn uống, thì bất kì sự gián đoạn lịch tiêm nào đều không đòi hỏi tiêm lại từ đầu hoặc bổ sung 1 liều tiêm khác.
     
    Tiêm đồng thời các loại vắc xin
    Ngoại trừ 1 số trường hợp, tiêm đồng thời các vắc xin sống và bất hoạt sẽ tạo nên đáp ứng miễn dịch và phản ứng phụ tương đương như tiêm từng loại vắc xin riêng lẻ. Việc tiêm đồng thời tất cả các liều vắc xin theo tuổi được khuyến cáo ở những trẻ không có chống chỉ định tại thời điểm tiêm. Vắc xin MMR và thủy đậu có thể tiêm đồng thời. Vắc xin cúm sống giảm độc lực không ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch đối với vắc xin thủy đậu và MMR. Tiêm đồng thời vắc xin phế cầu và vắc xin cúm bất hoạt vẫn đạt được đáp ứng miễn dịch tốt mà không gây nên những phản ứng bất lợi, nghiêm trọng. Vắc xin uốn ván, vắc xin bạch hầu liều thấp, vắc xin ho gà vô bào và cúm bất hoạt có thể được tiêm đồng thời. Vắc xin viêm gan B được tiêm đồng thời với vắc xin sốt vàng. Vắc xin sởi và sốt vàng có thể tiêm đồng thời mà không có ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch của các loại kháng nguyên. Tùy thuộc vào lịch tiêm chủng một đứa trẻ có thể được tiêm 9 loại vắc xin khác nhau trong khoảng từ 2 – 15 tháng tuổi. Mặc dù không có giới hạn chính xác về số mũi tiêm, những liều tiêm ban đầu nên hạn chế không nên quá nhiều mũi tiêm trong 1 lần trẻ đến tiêm.
     
    Không có bằng chứng về vắc xin bất hoạt có thể ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch của vắc xin bất hoạt khác hoặc vắc xin sống. Bất kì vắc xin bất hoạt nào cũng có thể tiêm đồng thời hoặc bất kì lúc nào (trước hoặc sau) tiêm vắc xin sống hoặc bất hoạt khác. Các vắc xin sống có thể tiêm cùng lúc với nhau trong một lần đến tiêm, nếu không tiêm cùng lúc được thì phải tiêm cách nhau trên 4 tuần.
     
    Vắc xin kết hợp
    Việc phối hợp nhiều vắc xin có thể làm giảm số mũi tiêm và làm giảm những lo ngại liên quan đến nhiều mũi tiêm. Ích lợi của tiêm vắc xin phối hợp bao gồm làm tăng tỷ lệ tiêm chủng, làm tăng tỷ lệ tiêm đúng thời gian ở những trẻ tiêm trễ, giảm chi phí về vận chuyển, bảo quản vắc xin, giảm chi phí đi lại, tiêm chủng và tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa vắc xin mới vào chương trình tiêm chủng.

    Khoảng cách giữa tiêm vắc xin và tiêm các sản phẩm miễn dịch
    * Các vắc xin sống:
    Thương hàn, sốt vàng, cúm, rota, zoster có thể được tiêm bất cứ lúc nào trước, trong và với các sản phẩm globulin miễn dịch. Máu và các sản phẩm của máu có chứa kháng thể có thể ức chế đáp ứng miễn dịch của sởi, rubella trong vòng 3 tháng. Do đó sau khi tiêm sản phẩm có chứa kháng thể thì các vắc xin sống (ngoài sốt vàng, cúm, zoster và rota) phải được trì hoãn cho đến khi các kháng thể thụ động bị phân hủy. Nếu 1 liều vắc xin vi rút sống được tiêm sau khi sử dụng các sản phẩm miễn dịch có chứa kháng thể với khoảng cách ngắn hơn quy định thì phải tiêm nhắc lại liều vắc xin này. Việc tác động đến đáp ứng miễn dịch có thể xảy ra nếu tiêm đồng thời hoặc nếu tiêm các sản phẩm miễn dịch có chứa kháng thể sau khi tiêm vắc xin MMR và thủy đậu. Thông thường sự nhân lên của vi rút vắc xin và kích thích đáp ứng miễn dịch xảy ra từ 1-2 tuần sau tiêm vắc xin. Nếu khoảng cách vắc xin và sản phẩm miễn dịch này <14 ngày thì vắc xin này phải được nhắc lại tại thời điểm quy định.

    * Các vắc xin bất hoạt:
    Việc sử dụng các sản phẩm miễn dịch có chứa kháng thể ít ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch của việc tiêm vắc xin bất hoạt, giải độc tố, tái tổ hợp và vắc xin polysaccharide. Do đó có thể tiêm đồng thời các vắc xin bất hoạt với các sản phẩm miễn dịch có chứa loại kháng thể. Tuy nhiên, cần phải tiêm ở các vị trí khác nhau.

    Việc hoán đổi các vắc xin của các nhà sản xuất vắc xin khác nhau
    Vắc xin của các nhà sản xuất vắc xin khác nhau thường không giống nhau về thành phần kháng nguyên và phương pháp sản xuất. Các nhà sản xuất sử dụng quá trình sản xuất khác nhau và sản phẩm của họ có thể chứa nồng độ kháng nguyên khác nhau trong mỗi liều hoặc có chứa các chất bảo quản khác nhau. Các vắc xin phối hợp với các thành phần kháng nguyên như nhau của cùng nhà sản xuất có thể được hoán đổi cho nhau. Về nguyên tắc không hoán đổi những vắc xin phối hợp của nhà sản xuất khác nhau, tuy nhiên nếu không có vắc xin của cùng nhà sản xuất hoặc không biết rõ mũi tiêm trước của nhà sản xuất nào thì vẫn có thể tiêm vắc xin hiện có. Nhìn chung không nên trì hoãn tiêm vắc xin với lý do là vắc xin của liều trước đây không có sẵn hoặc không rõ ràng. Tất cả các loại vắc xin khác nhau từ các nhà sản xuất khác nhau của vắc xin HIB cộng hợp, VGB, VGA, rota vi rút và vắc xin cộng hợp não mô cầu tứ giá có thể hoán đổi cho nhau. Nếu đứa trẻ cần tiêm 2 liều vắc xin cúm sống hoặc bất hoạt thì nên tiêm vắc xin cùng loại.