Sử dụng đồng thời vắc xin và thuốc kháng sinh
Ngoài một số ngoại lệ thì việc dùng thuốc kháng sinh chống vi khuẩn không phải là chống chỉ định với tiêm vắc xin. Tiêm kháng sinh không ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch đối với vắc xin sống đã làm yếu đi trừ vắc xin thương hàn uống và không có ảnh hưởng đến vắc xin bất hoạt, vắc xin tái tổ hợp, polysaccharide, độc tố. Thuốc kháng vi rút trong điều trị dự phòng bệnh cúm không ảnh hưởng đến vắc xin cúm bất hoạt. Tuy nhiên không nên tiêm vắc xin cúm sống giảm độc lực trong vòng 48 giờ sử dụng thuốc kháng vi rút. Thuốc kháng vi rút herpes có thể làm giảm hiệu quả của vắc xin sống zoster và thủy đậu. Phải dừng sử dụng thuốc này ít nhất 24 giờ trước khi tiêm vắc xin sống zoster hoặc thủy đậu. Không có bằng chứng là các thuốc kháng vi rút có thể ảnh hưởng đến vắc xin Rota và MMR.
Tiêm vắc xin cho trẻ sinh non
Trong hầu hết các trường hợp trẻ sinh ra trước 37 tuần, cho dù cân nặng lúc sinh là bao nhiêu, phải được tiêm chủng đúng lịch và theo quy định như đối với trẻ sinh đủ tháng. Cân nặng lúc sinh và chiều dài trẻ không phải là yếu tố để xem xét việc có nên tiêm vắc xin hay không trừ vắc xin VGB. Trẻ phải được tiêm đủ liều (không chia hoặc giảm liều). Tỷ lệ đáp ứng kháng thể có thể giảm đi ở một số trẻ sinh non, nhẹ cân dưới 2000g sau khi tiêm vắc xin VGB lúc sinh. Tuy nhiên khi trẻ ngoài 1 tháng tuổi thì chúng có đáp ứng kháng thể giống như mọi trẻ bình thường khác. Trẻ sinh non từ bà mẹ dương tính với kháng nguyên vi rút VGB và những bà mẹ không biết rõ tình trạng nhiễm VGB thì phải được nhận liều đầu tiên miễn dịch dự phòng cùng với vắc xin VGB và trong vòng 24 giờ sau khi sinh.
Cho bú sữa mẹ và tiêm vắc xin
Không có vắc xin sống và bất hoạt nào khi tiêm cho phụ nữ cho con bú gây ảnh hưởng đến tính an toàn của việc cho con bú với cả bà mẹ và trẻ sơ sinh. Mặc dù vi rút sống có trong vắc xin có thể nhân lên ở những bà mẹ được tiêm vắc xin sống, đa số những vi rút sống này không có trong sữa. Mặc dù vi rút có trong vắc xin Rubella có thể có mặt trong sữa mẹ, nhưng vi rút thường không gây nhiễm cho trẻ, nếu có xảy ra thì không gây bệnh vì vi rút đã được làm yếu đi rồi. Về nguyên tắc không nên tiêm vắc xin sốt vàng cho những bà mẹ đang cho con bú, tuy nhiên nếu họ đi đến vùng có sốt vàng và nguy cơ mắc cao vẫn phải tiêm vắc xin. Không có bằng chứng cho rằng việc truyền kháng thể thụ động sang sữa có thể ảnh hưởng đến hiệu quả bảo vệ của vắc xin sống. Trẻ bú sữa mẹ phải được tiêm vắc xin như theo đúng lịch của tiêm chủng quy định.
Tiêm vắc xin cho phụ nữ có thai (PNCT)
Về mặt lý thuyết tiêm vắc xin cho PNCT có thể có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến phát triển bào thai. Hiện không có bằng chứng về nguy cơ đối với bào thai do việc tiêm vắc xin bất hoạt hoặc vắc xin giải độc tố cho PNCT. Về mặt lý thuyết, vắc xin sống có thể gây nguy cơ cho bào thai, do đó vắc xin sống giảm độc lực nhìn chung là chống chỉ định trong thời kì có thai. Phụ nữ trong thời kỳ 3 tháng giữa và 3 tháng cuối của thời kỳ có thai có nguy cơ nhập viện do mắc bệnh cúm do đó cần tiêm vắc xin phòng bệnh cúm cho tất cả phụ nữ đang có thai hoặc sẽ có thai. Vắc xin bại liệt tiêm có thể dùng cho PNCT nếu có nguy cơ phơi nhiễm hoặc nhiễm vi rút bại liệt hoang dại. Vắc xin VGA, polysaccharide phế cầu, vắc xin cộng hợp não mô cầu và polysaccharide não mô cầu cần được xem xét tiêm cho PNCT. PNCT đến các vùng có dịch sốt vàng thì phải được tiêm vắc xin sốt vàng. Không có chống chỉ định dùng vắc xin VGB cho PNCT. Chống chỉ định tiêm các vắc xin sống như đậu mùa, sởi, quai bị rubella và thủy đậu cho PNCT. Không có nguy cơ đối với bào thai khi tiêm kháng huyết thanh cho PNCT.
Tiêm vắc xin cho những người rối loạn đông máu
Vì có nguy cơ chảy máu sau tiêm, nên người ta thường tránh tiêm bắp cho những người bị rối loạn đông máu mà thay vào đó là dùng đường tiêm khác như tiêm trong da hoặc tiêm dưới da. Người tiêm và người trong gia đình phải thông báo cho cán bộ y tế biết về nguy cơ chảy máu sau tiêm.