Hiểu biết sai lầm về tiêm chủng

  • Hiện nay, cán bộ y tế phải đương đầu với phong trào phản đối tiêm chủng. Một số người phản đối dựa trên quan điểm tôn giáo hoặc triết học.
     
    Một số người coi tiêm chủng bắt buộc là sự can thiệp của chính phủ vào lựa chọn cá nhân. Những người khác lo ngại về sự an toàn hoặc hiệu quả của vắc xin, hoặc tin rằng các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc xin không gây nguy cơ nghiêm trọng cho sức khỏe.
    Tất cả cán bộ y tế làm công tác tiêm chủng vắc xin phải có trách nhiệm lắng nghe và cố gắng hiểu mối quan tâm, nỗi sợ hãi và niềm tin của người dân về vắc xin và cân nhắc khi đưa ra các dịch vụ tiêm chủng. Những nỗ lực này không chỉ giúp củng cố mối quan hệ tin cậy giữa cán bộ y tế và người dân mà còn giúp xác định những lý giải có hiệu quả nhất trong việc thuyết phục những người dân chấp nhận tiêm chủng.
     
    Phần này đề cập đến sáu quan niệm sai lầm phổ biến về tiêm chủng thường được các bậc phụ huynh cân nhắc sự cần thiết của tiêm chủng cho con của họ. Nếu cán bộ y tế có thể phản hồi với những lý lẽ thuyết phục, nó không chỉ xoa dịu lo lắng của các bậc phụ huynh về những vấn đề cụ thể này mà còn khuyến khích họ phản đối lại phong trào chống vắc xin. Mục tiêu của các cán bộ y tế không phải là bắt buộc phụ huynh chấp nhận tiêm phòng, mà là đảm bảo họ có thông tin chính xác để đưa ra quyết định đúng đắn trong việc bảo vệ sức khỏe của con em họ.
     
    Sáu quan niệm sai lầm phổ biến này được phát triển bởi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh ở Hoa Kỳ nhằm cung cấp những thông tin hữu ích cho cán bộ y tế làm công tác tiêm chủng cũng như các bậc phụ huynh.
     
    “Bệnh đã bắt đầu biến mất trước khi vắc xin được đưa vào tiêm chủng, vì vệ sinh đã tốt hơn”.
    Điều kiện kinh tế xã hội được cải thiện chắc chắn đã có tác động gián tiếp đến bệnh tật. Dinh dưỡng tốt hơn, chưa kể đến sự phát triển của kháng sinh và các phương pháp điều trị khác, đã làm tăng tỷ lệ sống sót ở những người bệnh; điều kiện sống ít đông đúc đã giảm lây truyền bệnh; và tỷ lệ sinh thấp hơn đã làm giảm số lượng người tiếp xúc trong gia đình dễ mắc bệnh. Nhưng tỷ lệ mắc bệnh thực tế trong những năm qua đã chứng minh rõ ràng vai trò của vắc xin trong dự phòng các bệnh nhiễm trùng. Ví dụ, bệnh đậu mùa đã được thanh toán trên toàn thế giới vào năm 1979 nhờ tiêm chủng vắc xin. Tỷ lệ mắc sởi thực sự giảm đáng kể, thậm chí đã được loại trừ trùng khớp với việc cấp phép và sử dụng rộng rãi vắc xin sởi bắt đầu vào năm 1963. Các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc xin khác như viêm gan B, viêm phổi và viêm màng não do Haemophilus influenzae típ b (Hib) đã giảm đáng kể tương ứng nhờ sử dụng vắc xin.
     
    Kinh nghiệm của một số quốc gia phát triển như Anh, Thụy Điển và Nhật Bản cho thấy sau khi họ cắt giảm việc sử dụng vắc xin ho gà vì sợ tai biến vắc xin, dịch ho gà bùng phát trở lại. Tại Vương quốc Anh, việc giảm tiêm vắc xin ho gà vào năm 1974 đã dẫn đến là dịch bệnh ho gà bùng phát với hơn 100.000 trường hợp mắc bệnh ho gà và 36 trường hợp tử vong vào năm 1978. Tại Nhật Bản, cùng thời điểm đó, tỷ lệ tiêm chủng giảm từ 70% xuống 20% dẫn đến sự gia tăng bệnh ho gà từ 393 trường hợp và không tử vong vào năm 1974 lên 13.000 trường hợp và 41 trường hợp tử vong vào năm 1979. Tại Thụy Điển, tỷ lệ mắc bệnh ho gà hàng năm trên 100.000 trẻ em từ 0-6 tuổi tăng từ 700 trường hợp vào năm 1981 lên 3.200 vào năm 1985.
     
    Thực tế này đã chứng minh rằng các bệnh nhiễm trùng sẽ không biến mất nếu không có vắc xin, mà nếu chúng ta ngừng tiêm vắc xin, dịch bệnh sẽ quay trở lại.
     
    “Phần lớn những người mắc bệnh đã được tiêm phòng”
    Lập luận sai lầm này hàm ý rằng vắc xin không hiệu quả. Trên thực tế là trong một vụ dịch, những người đã được tiêm phòng thường nhiều hơn những người không được tiêm phòng – ví dụ như vắc xin như sởi.
     
    Nghịch lý này được giải thích bởi hai yếu tố. Thứ nhất là, không có vắc xin nào hiệu quả 100%. Để làm cho vắc xin an toàn, vi khuẩn hoặc vi rút bị bất hoạt hoặc bị làm yếu đi. Vì những lý do liên quan đến cá nhân, không phải tất cả những người được tiêm chủng đều phát triển khả năng miễn dịch. Hầu hết các vắc xin thường có hiệu quả là 85% đến 95%. Thứ hai, tại nhiều quốc gia, những người đã được tiêm phòng cao hơn rất nhiều so với những người không được tiêm phòng.
     
    Một ví dụ sau minh họa thực tế khi mà phần lớn các trường hợp mắc bệnh là ở những người đã được tiêm chủng. Ví dụ, ở một trường trung học có 1.000 học sinh, không có ai từng bị sởi. Tất cả học sinh, trừ 5 học sinh chưa tiêm, đã tiêm hai liều vắc xin sởi. Tính cảm nhiễm với vi rút sởi rất cao. Tất nhiên, 5 học sinh chưa được tiêm chủng sẽ bị nhiễm bệnh. Nhưng trong số 995 người đã được tiêm phòng, một số người không có đáp ứng miễn dịch với vắc xin. Tỷ lệ hiệu quả của hai liều vắc xin sởi có thể lên tới 98%. Trong trường hợp này, 20 học sinh không có đáp ứng miễn dịch với vắc xin, và họ cũng bị nhiễm bệnh. Do đó, 20 trong số 25, hoặc khoảng 80% các trường hợp xảy ra ở những học sinh đã được tiêm phòng đầy đủ. Mặc dù vậy, điều này vẫn chứng minh rằng vắc xin có tác dụng. Nhìn theo một cách khác, 100% (5/5) trẻ em chưa được tiêm phòng bị sởi, so với ít hơn 2% (20/995) số trẻ đã được tiêm phòng. Nếu không có học sinh nào được tiêm phòng, có lẽ đã có 1.000 trường hợp mắc bệnh sởi.

    “Có nhiều lô vắc xin có liên quan đến các biến cố bất lợi sau tiêm chủng nặng và tử vong cao hơn so với các lô vắc xin khác. Phụ huynh nên tìm các lô vắc xin này và không cho phép vắc xin đó được tiêm cho con em mình.”
    Điều này là sai lầm vì hai lý do:
    Hầu hết các hệ thống giám sát báo cáo các sự kiện liên quan đến việc tiêm vắc xin theo thời gian, có nghĩa là sự cố xảy ra sau tiêm chủng. Nhưng những báo cáo này không nên được hiểu là ngụ ý nhân quả. Nói cách khác, một báo cáo bất lợi sau tiêm chủng không có nghĩa là vắc xin gây ra sự kiện này. Theo thống kê, một số bệnh nặng, thậm chí tử vong, có thể xảy ra ngẫu nhiên tình cờ ở những trẻ trước đó đã được tiêm phòng. Mặc dù vắc xin được biết là gây ra phản ứng phụ nhỏ, tạm thời như đau nhức hoặc sốt, nhưng có rất ít bằng chứng liên quan giữa tiêm chủng với các vấn đề sức khỏe hoặc tử vong.
    Các lô vắc xin không giống nhau. Số lượng của các lô vắc xin có thể thay đổi từ vài trăm nghìn liều đến vài triệu và một số lô được sử dụng lâu hơn nhiều so với các lô khác. Đương nhiên một số lô có số lượng lớn hơn hoặc được sử dụng trong một thời gian dài hơn sẽ được gắn với nhiều sự kiện bất lợi hơn, chỉ đơn giản là tình cờ. Ngoài ra, các trường hợp tử vong do trùng hợp có liên quan đến vắc xin được báo cáo ở trẻ nhỏ dưới 1 tuổi nhiều hơn so với trẻ lớn, vì tỷ lệ tử vong ở trẻ em cao nhất trong năm đầu đời. Vì vậy, nếu biết rằng lô A có liên quan đến X sự kiện bất lợi trong khi lô B có liên quan đến số Y sự kiện bất lợi, những thông tin này sẽ không nói lên bất cứ điều gì về sự an toàn tương đối của hai lô. Xem xét danh sách công bố của “lô nóng” sẽ không giúp cho phụ huynh xác định vắc xin tốt nhất hoặc xấu nhất cho con em họ. Nếu số lượng và loại báo cáo sự kiện bất lợi cho một lô vắc xin cụ thể cho thấy rằng nó có liên quan đến các sự kiện bất lợi nghiêm trọng hoặc tử vong hơn dự kiến, thì hầu hết các quốc gia đều có hệ thống giám sát để thu hồi các lô vắc xin đó.
     
    “Vắc xin gây ra nhiều tác dụng phụ có hại, gây bệnh và thậm chí tử vong - chưa kể đến những ảnh hưởng lâu dài có thể có mà chúng ta thậm chí không biết đến.”
    Vắc xin thực sự rất an toàn, mặc dù có ý kiến ngược lại trong các tài liệu chống vắc xin. Hầu hết các tác dụng phụ của vắc xin là nhỏ và tạm thời, chẳng hạn như đau tại chỗ tiêm hoặc sốt nhẹ. Các tác dụng phụ nghiêm trọng hơn hiếm khi xảy ra (theo thứ tự một phần nghìn đến một phần triệu liều), và một số nguy cơ rất hiếm xảy ra. Đối với rất ít trường hợp tử vong khó có thể được quy cho vắc xin và khó đánh giá nguy cơ. Mỗi trường hợp tử vong được báo cáo cho các bộ y tế thường được kiểm tra kỹ lưỡng để đánh giá liệu nó có thực sự liên quan đến việc tiêm vắc xin hay không, và nếu vậy, chính xác nguyên nhân là gì. Sau khi điều tra cẩn thận, các sự kiện được cho là liên quan đến vắc xin, thi thường là có liên quan đến lỗi của dịch vụ tiêm chủng và không liên quan đến qui trình sản xuất vắc xin.
     
    Ví dụ, vắc xin bạch hầu-uốn ván-ho gà (DTP) và Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS). Có một mối nghi ngờ là vắc xin DTP gây ra hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS). Điều này xuất hiện là do có một tỷ lệ vừa phải trẻ em chết vì SIDS gần đây đã được tiêm vắc xin DTP; và làm cho người ta hướng đến một mối liên hệ nhân quả. Nếu vậy, tương tự bạn cũng có thể nói rằng ăn bánh mì gây ra tai nạn xe hơi, vì hầu hết các tài xế đã ăn bánh mì trong vòng 24 giờ qua. Nếu bạn cho rằng hầu hết các trường hợp tử vong SIDS xảy ra trong độ tuổi khi được tiêm ba mũi DTP, thì các mũi tiêm DTP có trước số lượng tử vong SIDS khá cao chỉ vì tình cờ. Trên thực tế, nhiều nghiên cứu được kiểm soát tốt được thực hiện trong những năm 1980, đã cho thấy rằng rằng số ca tử vong SIDS liên quan về mặt thời gian đến tiêm chủng DTP nằm trong dự kiến số ca sẽ xảy ra. Nói cách khác, các trường hợp tử vong SIDS xảy ra ngay cả khi không tiêm vắc xin.
     
    Tuy nhiên, chỉ nhìn vào nguy cơ là không đủ - bạn phải luôn nhìn vào cả nguy cơ và lợi ích. Ngay cả một tác dụng phụ nghiêm trọng trong một triệu liều vắc xin cũng không thể biện minh cho việc tiêm vắc xin là không có lợi ích. Nếu không có vắc xin, sẽ có thêm nhiều trường hợp mắc bệnh và tử vong cũng nhiều hơn. Ví dụ, theo một phân tích về lợi ích và nguy cơ của tiêm chủng DTP, nếu không có chương trình tiêm chủng tại Hoa Kỳ, các trường hợp ho gà có thể tăng gấp 71 lần và tử vong do ho gà có thể tăng gấp bốn lần. So sánh nguy cơ mắc bệnh với rủi ro từ vắc xin có thể cho chúng ta thấy rõ lợi ích của việc tiêm phòng cho trẻ em.
     
    Thực tế là trẻ em có nhiều khả năng bị tổn thương nghiêm trọng do mắc bệnh hơn là do tiêm vắc xin. Mặc dù có thể xảy ra một số phản ứng nghiêm trọng hoặc tử vong do vắc xin, nhưng một điều rõ ràng rằng lợi ích của việc tiêm vắc xin cao hơn rất nhiều so với nguy cơ nhẹ có thể xảy ra. Tỷ lệ mắc bệnh và tử vong sẽ rất cao nếu không tiêm phòng. Trên thực tế, sẽ là vô lương tâm nếu không triển khai một can thiệp y tế có hiệu quả như tiêm vắc xin trong phòng ngừa bệnh tật.
     
    “Các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc xin hầu như đã được loại trừ, vì vậy không cần cho con tôi phải tiêm phòng.”
    Đúng là tiêm chủng đã làm giảm hầu hết các bệnh có thể dự phòng được bằng vắc xin xuống mức rất thấp ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, một số bệnh vẫn còn khá phổ biến - thậm chí là gây dịch bệnh - ở các nơi khác trên thế giới. Khách du lịch có thể vô tình mang những tác nhân gây bệnh vào và nếu cộng đồng không được bảo vệ bằng vắc xin, những căn bệnh này có thể nhanh chóng lan rộng và gây ra dịch bệnh ở đó. Do đó, vắc xin vẫn nên được tiêm, vì hai lý do sau:
    Đầu tiên là bảo vệ chính mình. Ngay cả khi chúng ta nghĩ rằng cơ hội mắc bệnh là nhỏ, bệnh vẫn tồn tại và vẫn có thể lây nhiễm cho bất kỳ ai không được bảo vệ.
    Thứ hai là bảo vệ những người xung quanh chúng ta. Có một số ít người không thể tiêm vắc xin (ví dụ vì dị ứng nặng với các thành phần vắc xin) và một tỷ lệ nhỏ người không đáp ứng với vắc xin. Những người này dễ mắc bệnh và hy vọng bảo vệ duy nhất của họ là những người xung quanh họ được miễn dịch và không thể truyền bệnh cho họ. Một chương trình tiêm chủng thành công, giống như một xã hội thành công, phụ thuộc vào sự hợp tác của mỗi cá nhân để đảm bảo lợi ích của tất cả mọi người. Một ai đó sẽ nghĩ rằng việc tài xế có thể vô trách nhiệm bỏ qua tất cả các quy định giao thông bởi vì các tài xế khác sẽ coi chừng anh ta để tránh xảy ra tai nạn. Tương tự, chúng ta không nên dựa vào những người xung quanh để ngăn chặn sự lây lan của bệnh tật; chúng ta phải làm những gì chúng ta có thể.
     
    “Cho trẻ tiêm đồng thời nhiều vắc xin để phòng nhiều bệnh khác nhau cùng một lúc sẽ làm tăng nguy cơ tác dụng phụ có hại và có thể làm quá tải hệ thống miễn dịch”.
    Trẻ em tiếp xúc với nhiều kháng nguyên lạ mỗi ngày. Thức ăn đưa vi sinh vật mới vào cơ thể, và vô số vi sinh vật sống trong miệng và mũi, làm cho hệ thống miễn dịch tiếp tục phơi nhiễm với nhiều kháng nguyên hơn. Nhiễm vi rút đường hô hấp trên làm cho trẻ em bị nhiễm từ bốn đến mười kháng nguyên và trong trường hợp “viêm họng liên cầu khuẩn”, trẻ có thể phơi nhiễm với đến 25 – 50 kháng nguyên. Các dữ liệu khoa học cho thấy rằng tiêm đồng thời nhiều loại vắc xin không có tác động xấu đối với hệ thống miễn dịch bình thường ở trẻ em. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng các loại vắc xin được khuyến nghị kết hợp có hiệu quả như tiêm từng loại riêng lẻ và các kết hợp như vậy không có nguy cơ cao xảy ra các tác dụng phụ bất lợi.
     
    Ví dụ, tiêm vắc xin kết hợp sởi, quai bị, rubella (MMR) và thủy đậu. Điều này sẽ mang lại hiệu quả như tiêm các vắc xin riêng lẻ, nhưng sẽ cần ít mũi tiêm hơn. Tiêm đồng thời nhiều lần cùng một lúc sẽ đồng nghĩa với việc giảm số lần phải đưa trẻ đi tiêm chủng, giúp cha mẹ tiết kiệm cả thời gian và tiền bạc và có thể ít gây tai biến cho trẻ. Ngoài ra, tiêm chủng cho trẻ càng sớm càng tốt sẽ giúp bảo vệ chúng trong những tháng đầu đời dễ bị tổn thương. Một lợi thế nữa của việc tiêm đồng thời nhiều loại vắc xin là đảm bảo rằng trẻ không bị bỏ lỡ cơ hội để hoàn thành lịch tiêm chủng theo khuyến nghị.