Tiêm vắc xin là biện pháp quan trọng để bảo vệ người cao tuổi khỏi mắc các bệnh nguy hiểm dẫn đến tử vong. Ngay cả khi đã được tiêm vắc xin lúc còn trẻ, kháng thể bảo vệ có thể giảm đi theo thời gian hoặc tác nhân gây bệnh đã thay đổi kháng nguyên hoặc khả năng gây bệnh và vắc xin không còn hiệu quả nữa. Khi tuổi càng cao, nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng có thể dự phòng bằng vắc xin do tuổi cao, do tính chất công việc, sở thích, du lịch hoặc do sức khỏe kém. Những người mắc bệnh mạn tính thường có hệ thống miễn dịch kém, dễ mắc nhiều biến chứng nặng, bệnh tiến triển nặng hơn và kéo dài hơn, phải nhập viện và thậm chí tử vong nếu mắc bệnh nhiễm trùng có thể dự phòng bằng vắc xin. Những bệnh mạn tính quan trọng bao gồm tim mạch (đột quỵ, bệnh tim mạch khác), phổi (hen phế quản, bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính – COPD và các bệnh phổi khác), đái tháo đường.
Các vắc xin khuyến cáo
Ngoài những vắc xin được khuyến cáo cho những người trưởng thành, những vắc xin sau đặc biệt được khuyến cáo sử dụng cho những người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) và mắc bệnh mạn tính:
- Vắc xin cúm mùa: Được tiêm hàng năm để phòng cúm mùa
- Vắc xin uốn ván, bạch hầu, ho gà vô bào giảm liều (Td/Tdap): Nên được tiêm nhắc theo định kỳ 10 năm/lần phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván.
- Vắc xin phế cầu: Phòng các bệnh viêm phổi nặng
- Vắc xin VGB: Khuyến cáo tiêm vắc xin VGB đặc biệt cho người mắc bệnh đái tháo đường bởi vì nhóm người này có tỷ lệ nhiễm VGB cao hơn các nhóm khác, do việc lấy máu xét nghiệm nhiều lần để đánh giá tình trạng đường huyết.
Một số lưu ý
- Liều và lịch tiêm cụ thể của từng loại vắc xin được khuyến cáo thực hiện theo đúng lịch tiêm chủng ở Phần II và theo hướng dẫn cho từng loại vắc xin và từng loại bệnh có tại Phần III. Ngoài ra tham khảo những lưu ý khác ở Phần VI của tài liệu này.
- Có thể tham khảo thêm ý kiến tư vấn của bác sĩ chuyên khoa trước khi thực hiện mỗi liều tiêm chủng.